Cách phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường


Tuy sốt xuất huyết không phải là bệnh mới, bệnh đã xuất hiện từ lâu, tuy nhiên không phải ai cũng phân biệt được sốt xuất huyết với sốt thông thường nên dẫn đến tư tưởng chủ quan hoặc tự ý điều trị. Nhiều trường hợp đáng tiếc như vậy đã để lại biến chứng nặng nề cho người bệnh.

Đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết Dengue

Trái với suy nghĩ của nhiều người là chỉ trẻ em mới là đối tượng dễ mắc sốt xuất huyết, cả người lớn cũng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết khi bị muỗi vằn đốt. Do vậy, không nên chủ quan với tình trạng sốt cao kèm các biểu hiện đau đầu, đau nhức cơ khớp toàn thân. Ai cũng có thể mắc bệnh sốt xuất huyết, từ người già đến trẻ em, từ khu vực thành thị đến nông thôn.

Bệnh sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm do virus Dengue gây nên. Bệnh truyền từ người sang người chủ yếu là do muỗi đốt. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 tuýp D1, D2, D3, D4. Khi mắc bệnh thì cơ thể có miễn dịch với tuýp virus đó nhưng không đủ miễn dịch để phòng tất cả các tuýp virus khác. Vì vậy, về lý thuyết một người có thể mắc bệnh sốt xuất huyết nhiều lần.

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, cách phòng bệnh tốt nhất là tránh để muỗi đốt thông qua việc ngủ màn, tiêu diệt muỗi, không để cho muỗi có cơ hội sinh sôi. Sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và theo dõi các dấu hiệu cần nhập viện.

Phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường

Bệnh sốt xuất huyết thường sẽ diễn biến qua ba giai đoạn:
Trong 2-3 ngày đầu: Bệnh nhân sốt cao liên tục, khó hạ sốt, đau đầu, đau mỏi người... Lúc này triệu chứng sốt xuất huyết dengue giống như các sốt do virus khác và chỉ phân biệt được bằng xét nghiệm. Sốt là phản ứng của cơ thể với tác nhân gây bệnh, mức độ sốt cao hay thấp tùy thuộc vào phản ứng của cơ thể mạnh hay yếu, nhiệt độ vượt quá 37.5 độ C là bị sốt, do đó một số bệnh nhân sốt xuất huyết có thể chỉ sốt nhẹ nên không để ý.

Từ cuối ngày thứ 3 đến ngày thứ 7: Bệnh nhân bắt đầu lui sốt nhưng có thể xuất hiện các biến chứng như tăng tính thấm thành mạch gây cô đặc máu, giảm tiểu cầu, có thể gây sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ ở các mức độ khác nhau. Một số bệnh nhân bắt đầu có các chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, kinh nguyệt nhiều bất thường, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen...

Từ ngày thứ 7: Các triệu chứng trên sẽ hồi phục, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa. Triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày.

Đối với sốt phát ban, sốt siêu vi khác:

Bệnh nhân sốt cao nhưng là sốt từng cơn, kèm các triệu chứng viêm ở đường hô hấp trên như: Ho, chảy nước mũi, đau họng, đau nhức toàn thân, có thể có hoặc không có phát ban...

Có thể thấy, với các đặc điểm sốt cao kèm đau nhức cơ, đau đầu, phát ban…, dễ nhận ra hầu như sốt xuất huyết dengue rất giống với các dạng sốt siêu vi hay sốt phát ban thông thường khác. Để phân biệt được bệnh cần theo dõi triệu chứng và các dấu hiệu đặc biệt: các nốt nổi mẩn đỏ trong sốt phát ban sẽ biến mất nhanh sau khi thực hiện căng da. Nếu vết ban đỏ vẫn còn hoặc biến mất rất chậm thì có thể là sốt xuất huyết nổi mẩn đỏ.

Cách tốt nhất để phân biệt các loại sốt là đến các cơ sở y tế để xét nghiệm máu. Kết quả xét nghiệm công thức máu trong bệnh sốt xuất huyết dengue sẽ thấy bạch cầu và tiểu cầu giảm, xét nghiệm kháng nguyên Test Dengue (+) dương tính. Còn đối với các loại sốt còn lại hầu như công thức máu bình thường, xét nghiệm kháng nguyên sốt xuất huyết Test Dengue (-) âm tính.

Điều đáng lưu ý nhất là với sốt phát ban hoặc sốt do virus thông thường, khi lui sốt nghĩa là bệnh đã khỏi dần. Tuy nhiên với sốt xuất huyết dengue thì khi lui sốt là bắt đầu bước vào giai đoạn biến chứng nguy hiểm, cần phải đến cơ sở y tế để khám, xét nghiệm theo dõi hàng ngày để phát hiện sớm những biến chứng và xử trí kịp thời./.