Khi bị bệnh cường giáp, ngoài việc điều trị bằng thuốc thì chế độ dinh dưỡng đúng, hợp lý là rất quan trọng, góp phần giảm các triệu chứng của bệnh và hỗ trợ điều trị bệnh. Vì vậy, người bị cường giáp cần biết ăn thực phẩm nào tốt, thực phẩm nào cần kiêng.
Những thực phẩm tốt cho người bệnh cường giápCác loại quả giàu chất chống oxy hóa: Các chất chống oxy hóa tự nhiên có trong các loại quả giúp cải thiện và tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, đồng thời hỗ trợ cân bằng hormone tuyến giáp. Người bị cường giáp nên ăn các loại quả dâu tây, việt quất, kiwi, trái cây họ cam quýt, cà chua, mâm xôi, bí đỏ, ớt chuông, vì có chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa.
Rau họ cải: bông cải xanh, bắp cải, súp lơ... giúp làm giảm lượng hormone do tuyến giáp sản xuất ra trong cơ thể. Do đó, người bị cường giáp nên ăn các loại rau này. Tuy nhiên, việc sử dụng rau họ cải phải vừa đủ, tránh dùng quá nhiều vì có thể dẫn đến suy giáp. Vì vậy, trong chế độ ăn nên sử dụng rau họ cải một cách hợp lý, tránh lạm dụng.
Vitamin D và Omega 3: Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn, phòng ngừa loãng xương. Acid béo omega-3 có tác dụng làm dịu hoạt động của tuyến giáp. Vitamin D và acid béo omega-3 có nhiều trong cá hồi, do đó đây là thức ăn mà người bệnh cường giáp nên sử dụng. Ngoài ra omega-3 có nhiều trong quả óc chó, dầu oliu hoặc dầu hạt lanh.
Các thực phẩm giàu kẽm: Người bị cường giáp do tuyến giáp hoạt động quá mức, dẫn đến thiếu kẽm gây ảnh hưởng đến sự phân chia tế bào, sự tăng trưởng và phân hủy carbohydrate. Vì vậy, người bị cường giáp nên bổ sung kẽm trong chế độ ăn từ các loại hạt như: hạnh nhân, hạt óc chó, hạt bí ngô hoặc hạt lanh.
Đạm thực vật: Do người bệnh cường giáp thường xuyên bị sụt cân, nên cần cung cấp đủ lượng protein cho cơ thể để duy trì cân nặng hợp lý. Protein từ các loại đậu hạt đã được chứng minh là an toàn và tốt cho sức khỏe, đặc biệt cho người bị cường giáp, vì vậy bệnh nhân cường giáp nên ăn các thực phẩm chế biến từ họ đậu..
Các sản phẩm từ sữa: Rối loạn chuyển hóa canxi máu là triệu chứng thường gặp ở những người bị cường giáp, để bù trừ lại, cơ thể sẽ lấy canxi từ xương, dẫn đến loãng xương. Để phòng ngừa vấn đề này, bệnh nhân cường giáp nên sử dụng các sản phẩm làm từ sữa như: sữa chua, sữa ít béo để bổ sung canxi.
Bệnh cường giáp cần kiêng thực phẩm gì?
Thực phẩm giàu i-ốt: Đây là nhóm thực phẩm bệnh nhân đặc biệt phải kiêng ăn do i-ốt sẽ làm tăng hoạt động của tuyến giáp, làm nặng thêm tình trạng bệnh. Các thực phẩm nên kiêng bao gồm: muối i-ốt, rong biển, tảo hoặc một số loại hải sản...
Thực phẩm có hàm lượng đường cao: Ở người bệnh cường giáp, có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa carbohydrate và kiểm soát đường huyết trong máu. Đồng thời, sử dụng thực phẩm có nhiều đường sẽ làm tăng mức độ hồi hộp, một triệu chứng hay gặp của bệnh. Do đó, bệnh nhân cường giáp nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao như: nước ngọt, nước trái cây, các loại kẹo, mứt, đường...
Thực phẩm chứa chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa: Chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa làm cho các triệu chứng của bệnh trầm trọng và hạn chế tác dụng của các loại thuốc điều trị. Chất béo bão hòa có nhiều trong các loại thịt đỏ, thức ăn chiên xào,...còn chất béo chuyển hóa được tìm thấy nhiều ở các loại bánh quy, bánh ngọt và khoai tây chiên. Đây đều là những thức ăn nên tránh khi bị cường giáp.
Cà phê: Cafein là một trong những chất có tác dụng kích thích tuyến giáp tiết quá nhiều hormone, làm nặng thêm tình trạng bệnh. Do đó, việc sử dụng cà phê làm người bệnh cường giáp càng tỏa nhiệt nhiều hơn, gây nóng nảy, khó chịu. Do đó, đây là thức uống mà người bị cường giáp nên kiêng.
Rượu bia: Sử dụng rượu bia hoặc các sản phẩm chứa cồn làm hạn chế sự hấp thu canxi, làm nặng thêm tình trạng rối loạn chuyển hóa canxi ở người cường giáp và gây biến chứng loãng xương.
Sữa tươi nguyên kem: Lượng chất béo trong sữa nguyên kem không được khuyến khích cho bệnh nhân cường giáp vì rất khó tiêu hóa. Trong khi khả năng tiêu hóa của bệnh nhân cường giáp lại không tốt như người bình thường, vì vậy khi sử dụng loại sữa này bệnh nhân sẽ đầy bụng, khó tiêu,..