Cách xử trí khi bị hạ đường huyết


Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu hạ xuống dưới mức bình thường (dưới mức 3,9 – 6,4mmol/l). Hạ đường huyết nếu không được phát hiện kịp thời và xử trí sớm có thể dẫn tới hôn mê và gây nên nhiều tác hại cho người bệnh.

Dấu hiệu của hạ đường huyết

Các dấu hiệu của hạ đường huyết không giống nhau ở mỗi bệnh nhân. Nhưng thường xuất hiện vào lúc sắp đến bữa ăn và có một hay nhiều dấu hiệu chung sau: Mệt đột ngột không giải thích được; đau đầu, chóng mặt lả đi; cảm giác đói cồn cào; vã mồ hôi; tê buồn chân tay; chân có cảm giác nặng; lo lắng bứt rứt; run tay; hồi hộp, tim đập nhanh; có khi buồn nôn và nôn.



Ảnh minh họa

Xử trí khi bị hạ đường huyết

Với người bình thường bị hạ đường huyết: Khi có các triệu chứng của hạ đường huyết, ngay lập tức phải cho bệnh nhân ăn nhẹ cháo loãng, súp, các sản phẩm có đường có sẵn như: bánh , kẹo hoặc uống một cốc nước đường (200ml)…Sau khi ăn nên để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh.
Ở bệnh nhân tiểu đường, khi được điều trị bằng Insulin, phải tiêm thuốc vào trước bữa ăn 1-2 giờ. Nếu sau khi tiêm insulin thấy người khó chịu, bủn rủn thì ăn một ít đường.

Nếu hạ đường huyết nặng trong tình trạng hôn mê: cần tiêm tĩnh mạch dung dịch glucose ưu trương 20 hoặc 30% hoặc truyền tĩnh mạch dung dịch glucose 5% hoặc 10%. Nếu có thể tiêm dưới da 1 mg Glucagon.

Phòng tránh hạ đường huyết

Không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, đặc biệt là người già, trẻ em, những người có bệnh mạn tính, cơ thể yếu.

Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống điều trị bệnh tiểu đường.

Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Cần có chế độ tập luyện thường xuyên, phù hợp đối với từng người theo tư vấn của bác sĩ điều trị để đảm bảo sức khoẻ.

Luôn luôn có sẵn đường hoặc các sản phẩm có đường như kẹo, bánh, sôcôla, nước ngọt có đường… trong túi, trong cặp để lúc xảy ra hạ đường huyết là có thể dùng ngay.