Sáng 25/11, nhiều phụ huynh có mặt tại cổng trường Tiểu học Đức Thắng yêu cầu hiệu trưởng trường này trả lời về vấn đề bữa ăn kém chất lượng và không đảm bảo vệ sinh của học sinh. Tuy nhiên, cổng trường đóng kín, không có ai giải đáp thắc mắc cho phụ huynh.
Đề nghị làm rõ khẩu phần ăn của học sinh
Chị N.T.H., một phụ huynh, bức xúc: "Chúng tôi muốn trao đổi với đại diện nhà trường nhưng họ nhất quyết không gặp. Các phụ huynh đều muốn làm rõ, liệu với khẩu phần ăn chỉ có vài viên cá chiên, đậu phụ và một ít củ cải xào, có đủ dinh dưỡng cho học sinh không. Ngoài ra, nhà trường phải cho phụ huynh biết rõ nguồn gốc thực phẩm, gia vị, công khai hóa đơn".
|
Bà Trần Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thắng. Ảnh: T.D. |
Chị L.T.H.N., phụ huynh khối lớp 1, yêu cầu trường Tiểu học Đức Thắng phải đảm bảo suất ăn đúng với chi phí phụ huynh đã đóng cho nhà trường.
"Các con đều đang trong độ tuổi phát triển, hiếu động, cần nhiều dinh dưỡng. Với khẩu phần ăn nghèo nàn như vậy, học sinh không thể đủ sức khỏe để học tập cả ngày. Hai con trai của tôi đang theo học tại đây, nhiều lần cháu nói với mẹ xin được về nhà ăn cơm vì ở trường không đủ no. Nếu tình trạng này tiếp tục, tôi sẽ cho con về ăn cơm cùng gia đình thay vì ở trường", người mẹ này nói.
Theo một số phụ huynh, từ đầu năm học, cha mẹ học sinh đã đề nghị, yêu cầu nhà tường khắc phục tình trạng bữa ăn kém dinh dưỡng. Ngày 7/10, ba bên gồm nhà trường, ban phụ huynh và công ty cung cấp thực phẩm đã hứa hẹn sẽ khắc phục đúng theo yêu cầu của phụ huynh, đảm bảo dinh dưỡng cho các con.
Đến tháng 11, phụ huynh không được đến kiểm tra. Sau một thời gian gay gắt, cha mẹ học sinh được kiểm tra lại, thấy bữa ăn của các con không được đảm bảo, thậm chí còn tệ hơn.
|
Bữa ăn của học sinh trường Tiểu học Đức Thắng. Ảnh: Phụ huynh cung cấp. |
"Chúng tôi đã yêu cầu và đề nghị nhưng không được tiếp, phải đứng ngoài cổng trường. Không dừng lại ở đó, đầu tháng 9, trường sử dụng dầu ăn đã qua tái chế, dầu ăn công nghiệp không rõ nguồn gốc được đóng trong chai nước không nhãn mác. Sau đó, chúng tôi kiểm tra, dầu lại được đóng trong chai dầu Meizan. Chúng tôi đã ghi trong biên bản ngày 22/11. Đề nghị nhà trường giải thích và yêu cầu đảm bảo sức khỏe cho các con", phụ huynh tên Hương bức xúc nói.
Một số phụ huynh khác cho hay trường Tiểu học Đức Thắng không công khai thực đơn hàng ngày của học sinh. Khi trò chuyện với các con, học sinh chỉ nhớ một số món ở trường thường xuyên được ăn như muối vừng, lạc rang và thịt băm.
Trường tiếp thu và hứa giám sát chặt chẽ bếp ăn
Trao đổi với báo chí sáng nay, bà Trần Thị Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thắng, nói rất đáng tiếc trước thông tin phản ánh từ phụ huynh.
"Chúng tôi rất buồn và đã chủ động báo cáo, mời UBND phường, cơ quan y tế quận, cơ quan giáo dục, ban phụ huynh, bên bếp ăn, các thành phần trong nhà trường ngồi lại, rà soát toàn bộ quá trình, tiếp tục đưa ra các phương án để đảm bảo các con có suất ăn và giấc ngủ tốt", bà Phượng nói.
Nữ hiệu trưởng cho rằng hình ảnh bữa ăn được phụ huynh đưa lên mạng xã hội chưa thể đánh giá tất cả suất ăn tại nhà trường trong thời gian qua. Tuy nhiên, trường vẫn tiếp nhận ý kiến đóng góp của phụ huynh và sẽ giám sát chặt chẽ bếp ăn.
Bà Phượng cũng cho biết tiền ăn của học sinh được thỏa thuận với phụ huynh là 25.000 đồng/ngày, gồm một bữa ăn chính (20.000 đồng) và một bữa ăn phụ (5.000 đồng).
"Giá cả ngày càng tăng cao nhưng chúng tôi không mong muốn thu thêm tiền ăn, vẫn giữ ở mức hiện tại và cố gắng yêu cầu bếp đảm bảo bữa ăn cho các con. Chúng tôi sẽ mời phụ huynh đến giám sát. Trường chúng tôi mới thành lập, còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy, chúng tôi muốn lắng nghe ý kiến của phụ huynh và sự phản hồi của cơ quan chức năng để hoàn thiện mình trong thời gian tới", hiệu trưởng này cho hay.
Về vấn đề dầu ăn, bà Phượng thông tin đã yêu cầu nhà bếp đưa ra hóa đơn. Hóa đơn này cho thấy dầu ăn nhập từ siêu thị Metro, thùng 25 lít nên phải chia sang chai nhỏ, không có chuyện dùng dầu ăn không rõ nguồn gốc.
Trước đó, bức xúc với bữa ăn bán trú nghèo dinh dưỡng của con, chị L.A. đã đăng ảnh lên mạng xã hội. Phụ huynh này cho biết suất ăn bán trú 25.000 đồng gồm 5.000 đồng bữa phụ và 3.000 đồng tiền ga - khoản tiền chị cho là vô lý.
Đầu năm, phụ huynh trường này đã phàn nàn, trường đổi nhân viên nhà bếp nhưng tình hình không cải thiện. Ngoài ra, nữ phụ huynh cho biết trường còn dùng gạo có mọt để nấu cho học sinh.
Hiệu trưởng Trần Thị Phượng giải thích về việc gạo có mọt, khi phát hiện, trường đã yêu cầu nhà bếp chỉ nhập gạo đủ nấu trong 1-2 ngày. Khoản 3.000 tiền ga cũng đã được điều chỉnh.
Về bữa ăn 20.000 đồng chỉ có đậu phụ, cá viên làm sẵn cùng cơm trắng và ít rau, bà Phượng cho rằng có thể do hôm đó, nhân viên nhà bếp chia suất ăn không đều. Số học sinh ăn tại trường khoảng 680-720 học sinh/ 922 em.