Thảm hoa khoe sắc vàng rực trên khắp các triền đồi và lối đi quanh ngọn núi lửa hàng triệu năm tuổi thu hút khách tham quan, chụp ảnh.
Tên ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động hàng triệu năm theo tiếng địa phương nghĩa là "củ gừng dại", thuộc làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh và cách TP Pleiku khoảng 30 km về phía bắc. Điểm đến này đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm khi những khóm hoa dã quỳ bung nở trên các triền đồi, núi và lối đi xung quanh.
Từ tháng 11, hoa dã quỳ bung nở trên khắp Tây Nguyên. Trong đó, giống hoa này ở Chư Đăng Ya có màu sặc sỡ và tàn muộn hơn so với nhiều nơi bởi sinh trưởng trên đất đỏ phì nhiêu của núi lửa.
Nhiệt độ ở Chư Đăng Ya luôn cao hơn 1-2 độ so với các nơi khác ở Gia Lai do đất bazan núi lửa đã trải qua nhiều ngày khô hạn. Tuy nhiên, hoa cỏ, cây cối tại đây vẫn xanh tươi.
Trong mùa hoa, điểm đến này thu hút khách tham quan và các nhiếp ảnh gia tới chụp hình. Chị Lữ Hồng (ảnh) nói: "Tôi không khỏi choáng ngợp khi ngắm màu vàng đặc trưng hoa dã quỳ xung quanh sườn núi lửa Chư Đăng Ya".
Nữ du khách trong trang phục của người dân tộc vùng Tây Nguyên tạo dáng bên những con đường hoa dã quỳ.
Hai bé gái người dân tộc J'rai theo mẹ lên nương rẫy trên sườn núi lửa vào sáng sớm. Khi tới đây, du khách có thể dễ dàng làm quen với người dân ở làng Ia Gri, một làng cổ của người J'rai nằm dưới chân núi.
Dã quỳ là loài hoa gắn với truyền thuyết tình yêu của đồng bào Tây Nguyên. Những cây hoa tại đây hầu hết đều mọc dại, sinh trưởng tự nhiên. Mùa hoa thường kéo dài đến hết tháng 12 hàng năm và nở đẹp nhất trong khoảng 2 tuần.
Dã quỳ khoe sắc trong nắng sớm. Hoa còn có các tên gọi khác như cúc quỳ, sơn quỳ... thuộc họ cúc, có màu vàng cam. Cuối tháng 10 đến đầu tháng 11 hàng năm, loài hoa này đồng loạt bung nở trên nhiều địa phương của Việt Nam, như vườn quốc gia Ba Vì (Hà Nội) và các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai.
Bình minh trên núi lửa Chư Đăng Ya.