Thái Lan không chỉ có Bangkok sầm uất, Chiang Mai lãng mạn và những thắng cảnh xiêu lòng người mà còn có một cố đô Ayutthaya trầm mặc, bình yên. Vùng đất nhỏ, cổ kính được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới vào năm 1991. Ayutthaya nổi tiếng với những pho tượng Phật dát vàng và đền đài chìm trong không gian thanh tĩnh. Ảnh: Thailand. |
Mahatat được xem là ngôi chùa có vị trí khá quan trọng và là di tích trung tâm của Hoàng Cung Ayutthaya. Điểm đến được nhiều du khách lựa chọn khi ghé Thái Lan bởi hình ảnh đầu của một pho tượng Phật bằng đá ẩn mình trong rễ cây sung cổ thụ hùng vĩ. Ảnh: RVC Travel. |
Khuôn mặt Phật 700 năm tuổi được bảo vệ toàn vẹn bất chấp rễ cây bao quanh. Gương mặt được nhận xét mang vẻ đẹp thánh thiện và siêu thoát, đem lại cảm giác bình an cho du khách ghé thăm. Đối với người mộ đạo, giữa phế tích đổ nát với nhiều bức tượng mất đầu, sự hiện diện của đầu tượng Phật trong thân cây toát lên ý nghĩa đặc biệt linh thiêng. Ảnh: Pinterest, Thousand Wonders. |
Người Thái tin rằng một binh lính đã đặt đầu của pho tượng vào gốc cây giữa lúc cố đô bị phá hoại. Trải qua nhiều năm tháng, những chùm rễ vươn ra ôm trọn lấy khuôn mặt đức Phật, tạo nên kiệt tác độc nhất vô nhị, sống động đến kỳ lạ. Bức tượng phủ rêu nhanh chóng trở thành điểm đến tâm linh thu hút du khách khắp thế giới. Ảnh: Locationscout, Thaizer. |
Ayutthaya từng được xem như thành phố hùng mạnh bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Wat Mahatat có hàng loạt tượng Phật không đầu bên cạnh nền móng và những bức tường thành đổ nát, tàn tích huy hoàng của một thời xa xưa. Đa số tượng bị trộm và bán lại cho các nhà sưu tập đồ cổ đến từ Mỹ và châu Âu. Ảnh: Travelling Press. |
Có hơn 10 điểm tham quan nổi tiếng ở cố đô Ayutthaya, chủ yếu là đền chùa và phế tích hoàng gia. Trong hành trình của mình, bạn có thể đến Wat Lokaya Sutha, nơi có bức tượng Phật nằm khổng lồ nghiêng đầu trên tòa sen. Bức tượng cao 8 m và dài khoảng 29 m, được mặc áo cà sa vàng rực, trang trọng tạo điểm nhấn cho tổng thể cổ kính nơi đây. Ảnh: A South East Asia Photoblog. |